Cốm Mộc Lê GiaĐặc sản Hà Nội ! 

“Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm 

Chả biết tay ai làm lá sen…!”

 

Hương vị mùa thu
Những người Hà Nội đang ở xa, khi thu về có một lúc nào để lòng mình nhớ nhung về nơi có mùa thu kỳ lạ? T cảm nhận được ngọn gió heo may tràn ngập hồn mình khi liễu buồn buông lệ bên Hồ Gươm, khi có những người từ đâu không biết, đi rong phố phường bán từng lạng Cốm chỉ xuất hiện mỗi độ thu về…

Mùa trời lên cao, đất khô đi, cây tự nhuộm mình cho lá mang màu vàng đỏ, lòng người nhớ thương nhau, tìm tri âm tri kỷ, thanh tao thì uống một tách trà hoa nhài và chút ……Cốm !

Cốm là quà không phải để ăn nọ Ăn cốm là ăn mùa thu vào lòng, vào tâm khảm. Mùa thu Hà Nội trong veo như tâm hồn thiếu nữ, thanh sạch, mát dịu như không chút bụi trần, để con cá chép Lý Ngư cũng phải vượt Vũ Môn mong hóa thành rồng. Sáng bảng lảng sương, chiều dìu dịu nắng, đêm êm đềm ngọt ngào..

Cốm nằm mơ màng trong từng lớp lá sen già đượm thứ hương hoa dâng hiến, hoặc lá khoai ráy xanh non, bóng như một thứ xa- tanh (satin) mát mịn. Dúm một dúm, đặt vào lòng bàn tay, ngửa cổ, thả nó vào đầu lưỡi, nó sẽ tan, sẽ ngấm, sẽ thì thầm thứ vị ngọt mềm của trời đất nước non, cả đầm sen ngan ngát, cả sóng lúa rì rào, cả màu mây lãng đãng… và mơ màng nhớ đến một suối tóc dài thơm hương bồ kết của ai đó đang ngồi giã cốm trong đêm trăng.

Thỉnh thoảng đã có những cơn gió diụ mát nhè nhẹ lướt trên những cánh đồng lúa nếp xanh rờn, mênh mông, tít tắp. Trong cái mơn man của gió thu sớm ấy, người ta đã cảm thấy đâu đây một mùi hương trong vắt như hương của đất trời, của nắng gió, của cỏ cây . Tất cả như chờ đợị mùi hương của cốm.

Có một mùa thu Hà nội đẹp mơ màng, có một mùa cốm thoảng hương dịu ngọt. Và lá sen kia ơi, hãy ấp ủ những tấm lòng xa xứ luôn mãi sắc xanh và nồng nàn hương nhung nhớ!
Bạn phương trời, bao mùa xa vắng! Hà Nội lại gởi lá thư xanh bằng gói cốm lá sen cho bạn đây, một chút “thời trân”, một câu thơ lục bát bằng hương và vị… Hãy nhận lấy bạn ơi, để nhớ về một mùa thu Hà Nội đầy mỹ cảm…

 

“Em về làng lụa Hà Đông

Mua tấm vải hồng dành để làm duyên

Cốm tươi xanh thắm chợ phiên

Mùa thu gió trải khắp miền đam mê

…”

Mùa thu Hà nội là một mùa rất đẹp và đặc biệt, đây là mùa được nhắc tới trong rất nhiều tác phẩm văn học viết về Hà Nội. Một trong những yếu tố góp phần mang đến sự đặc biệt của mùa thu Hà Nội đó chính là hương cốm. Cốm là một món ăn dân giã lâu đời của Hà thành, là nét đặc trưng trong văn hoá ẩm thực của Hà Nội, bánh cốm là món quà cưới bắt buộc trong ngày vui của người dân Hà Nội. Không một người Hà Nội nào không biết đến cốm, không một du khách nào không mua cốm hay bánh cốm làm quà khi đến Hà Nội vào tháng tám và cũng không có mùa thu nào ở Hà Nội mà không có hương cốm.

Cốm có nguyên liệu khá đơn giản là làm bằng nếp non. Qui trình sản xuất cũng khá đơn giản, hạt nếp non sau khi được thu hoạch sẽ đựơc rang sơ, giã dập,đãi vỏ, rang lại là thành phẩm. Tuy nhiên để làm nên món cốm đặc sản của Hà Nội thì công sức của người làm cốm bỏ vào không nhỏ. Nếp làm cốm phải là loại nếp cái hoa vàng thơm nổi tiếng, hạt nếp phải đựoc chọn lựa rất kỹ trên đồng sau cho thời điểm thu hoạch phải thật đúng lúc, nếp không được quá non hay quá già. Từng công đoạn rang, giã, đãi vỏ đều có những bí quyết riêng, đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và kiên nhẫn thì mới tạo ra các mẽ cốm thơm lừng và xanh màu ngọc bích rất đẹp.

Trong một mẽ cốm có thể chia ra các loại cốm như: loại ngon nhất là mầm cốm rất mỏng (như chiếc lá me) bay ra trong khi sàng cốm sau đợt giã cuối. Cốm lá me này có số lượng rất ít và hiếm nên thường được người làm cốm để lại dùng chứ không bán. Loại ngon thứ nhì là cốm dót. Đây là những hạt nếp non sau khi giã tự vón với nhau. Mỗi mẽ chỉ thu được nhiều nhất khoảng 2/10 cốm dót ăn rất dai và ngọt. Phần còn lại mới là các loại cốm đầu nia được bán thông thường.

Món cốm có khá nhiều cách thưởng thức. Có thể đơn giản chỉ cần mở gói lá sen bốc nhúm cốm nhấm nháp với trà Thái Nguyên, hay cầu kỳ hơn có thể xào cốm với đường và dừa, hoặc nấu chè cốm, xôi cốm. Một cách dùng cốm rất đặc biệt thường được dùng thiết đãi khách quí và khách quốc tế là “món cốm với chuối tiêu trứng cút”.

Trong khu vực miền Nam, có một món ăn khá nổi tiếng cũng có cách làm và hình dáng tương tự như cốm gọi là cốm dẹp cũng đưọc làm bằng lúa nếp. Tuy nhiên sản phẩm Cốm có màu sắc xanh ngọc dịu và hương thơm hơn cốm dẹp do cốm được làm từ loại lúa nếp thơm đặc sản và qui trình sản xuất phức tạp hơn.

—*** Chúc Quý Khách Ngon Miệng ***—